Những ngày giữa tháng 7, trong ngôi nhà truyền thống của người Mông ở bản Nhôn Mai (xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương), 3 mẹ con chị Già Thị Y đang miệt mài sắp những trái dứa đã đến mùa thu hoạch ra bán cho thương lái.
Ngôi nhà nơi nữ sinh người Mông Và Y Pà sinh sống.Đây là nguồn thu nhập không ít đối với gia đình chị. Nhà có 2 cô con gái, Và Y Pà vừa thi THPT quốc gia xong, còn cô em Và Kiều Trinh đang học lớp 11. Cả 2 đều là niềm tự hào của gia đình và bản làng nơi vùng biên viễn này.
Những lúc rảnh rỗi Và Y Pà lại mang sách vở ra để học.Bà Già Thị Y không nói được tiếng Kinh nên mọi giao tiếp với khách đều do Y Pà dịch lại. Tự tin với kỳ thi vừa qua, Y Pà đạt được số điểm khá cao so với bạn bè ở trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, trong đó các môn xét tuyển khối C của Y Pà là: Ngữ văn 8, Lịch sử 9,25, Địa lý 9,25. Tổng điểm 3 môn đạt 26,5, cộng 2,75 điểm ưu tiên, em đạt 29,25 điểm.
Đam mê lớn nhất của nữ sinh này là môn Lịch sử.Tâm sự với chúng tôi, Và Y Pà cho biết: Những năm bước vào THCS em đã phải rời xa gia đình vượt hơn 100 km để học tại trường PTDTNT THCS Tương Dương.
Bước vào THPT, em thi đậu trường nội trú tỉnh Nghệ An với số điểm cao. Vài ba tuần mới về thăm nhà được một lần, mẹ lại không biết chữ nên mọi việc từ sinh hoạt đến học hành em đều phải tự lo. Những lúc rảnh rỗi, tranh thủ từ Vinh về nhà hơn 300 km em lại cặm cụi lên rẫy giúp đỡ gia đình.
Ngoài giờ học, hàng ngày, Và Y Pà vẫn miệt mài lên nương rẫy làm việc giúp gia đình.Đam mê lớn nhất của cô nữ sinh người Mông này là lịch sử, một môn mà hiện nay nhiều bạn đang cảm thấy nhàm chán. Y Pà bảo rằng, từ lúc vào học cấp 3, môn lịch sử, nhất là lịch sử thế giới như có một sức hút mãnh liệt hơn bao giờ hết đối với em. Mượn được cuốn sách nào là Y Pà đọc và cố gắng ghi nhớ cho hết. Ngoài ra, lúc chuẩn bị thi THPT, em chỉ làm thêm các đề do thầy cô ôn tập, còn lại chẳng có tài liệu gì để tham khảo.
Bí quyết để học thuộc và nhớ hết các mốc lịch sử của em Y Pà là đọc kỹ kiến thức trong sách giáo khoa, ngoài ra tập trung luyện các đề để thuần thục hơn. Những lúc khó quá em lại ghi vào lòng bàn tay, đi đâu nhẩm lại không nhớ mở tay ra xem. Chỉ cần vài lần như vậy là thuộc hết.Kỳ thi này, Và Y Pà đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khoa Đông phương học để theo đuổi đam mê với môn lịch sử của mình.
Tuy vậy, khi được hỏi về ước muốn công việc, Y Pà vẫn bảo thích trở thành một doanh nhân. “Bản làng, bố mẹ em khó khăn vất vả nhiều vì mọi thứ làm ra chủ yếu mang tính tự cung tự cấp là chính. Em muốn kinh doanh để mang lại một hướng đi mới cho quê hương mình” - Và Y Pà tâm sự
Tác giả bài viết: Đào Thọ
Nguồn tin: Báo Nghệ An:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn