Trường THCS bán trú xã Lượng Minh cách trung tâm huyện khoảng 15 km, nằm cheo leo trên vách núi, vừa được xây dựng cách đây chưa lâu, phía trước là lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn. Trường có 308 học sinh đến từ khắp các bản trong xã, trong đó 281 em thuộc diện bán trú. “Ở đây, trên 90% học sinh là con em hộ nghèo, nhiều em mồ côi hoặc bố mẹ đang thụ án tù, rơi vào cảnh không nơi nương tựa. Phần lớn đều do hệ lụy của tệ nạn ma túy, sự thiếu hiểu biết và phạm tội của người lớn đã đẩy con trẻ đến chỗ bơ vơ”, thầy Trần Hưng Thái – Hiệu trưởng chia sẻ.
Theo chân thầy Thái, chúng tôi đến phòng gặp em Vi Thị Hoài Thương (lớp 7C) khi em vừa tan giờ học buổi chiều. Trong căn phòng bán trú, Thương và 17 bạn ở bản Đửa cùng sinh hoạt và học tập, có hơi chật chội nhưng thân quen nhau từ lâu nên không có điều gì đáng ngại. Thương kể, bố em là Vi Văn Phòng, mất từ khi em mới học lớp 4. Còn mẹ là Kha Thị Ít đang trong thời gian thụ án vì tội buôn bán chất ma túy, bản án 15 năm, nay mới được hơn 1 năm.
Thương và anh trai (đã nghỉ học) ở với ông bà nội, ông bà đã già lắm nhưng hàng ngày vẫn phải lên rẫy làm cỏ, xuống suối xúc cá để kiếm cái ăn cho các cháu. Từ bản ra đến trường khoảng 6 cây số men theo bờ suối và vách núi cao, đầu tuần bác trai (anh ruột của bố) chở ra, cuối tuần bác lại ra chở về thăm ông bà.
Ở trường, Thương và các bạn được nuôi ăn ngày 3 bữa, giờ giấc học tập, sinh hoạt được quản lý nghiêm ngặt. Khi được hỏi về niềm mong ước tương lai, đôi mắt to và sáng của cô bé chợt ngân ngấn nước: “Hoàn cảnh của em không thể học lên cao, nhưng sẽ cố gắng học hết THCS rồi học thêm một nghề phù hợp, sau này có tiền giúp đỡ ông bà. Ông bà của em đã già rồi, mẹ thì còn lâu mới được về…”. Niềm mong ước thật nhỏ bé và giản dị, nhưng với hoàn cảnh của Thương để vươn tới quả không mấy dễ dàng.
Tương tự hoàn cảnh của Thương, Kha Thị Khánh Ly (lớp 7B) ở bản Minh Phương cũng éo le không kém, bố Phương đã mất được 2 năm vì căn bệnh dạ dày, mẹ cũng đang trong thời gian thụ án vì buôn bán ma túy. Hiện Khánh Ly ở cùng anh trai là Kha Văn Biển (30 tuổi) chưa lập gia đình, nhà còn có chị gái và cháu về ở cùng. Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh bên mép sông Nậm Nơn, trận lũ lụt năm 2018 khiến nền nhà bị xói lở nhưng vẫn phải ở tạm, vì khu tái định cư chưa được san lấp mặt bằng, lại không có họ hàng ở gần để sơ tán. Mấy anh em sống khá chật vật, vì chỉ biết nhìn vào thu nhập hàng ngày của anh trai, mà việc làm của anh lại không ổn định nên có những lúc rơi vào cảnh bữa đói, bữa no.
Từ ngày lên THCS, Khánh Ly thuộc diện ở bán trú nên không còn phải lo việc ăn ở hàng ngày, anh trai chỉ lo sắm sách vở, áo quần. Ly được các thầy, cô đánh giá thông minh và chăm chỉ học tập, ở lớp chăm chú nghe giảng, về phòng tích cực ôn bài và làm bài. Nhờ vậy, năm học lớp 6 và học kỳ 1 vừa rồi em được công nhận là học sinh tiên tiến. Khánh Ly bộc bạch: “Em muốn được học tiếp lên THPT, mơ ước sau này trở thành cô giáo, giúp các em nhỏ biết chữ để không bị người nơi khác đến rủ rê, lừa bán”.
Học sinh bản Xốp Mạt không thuộc diện hưởng chế độ bán trú nên hàng ngày em Lương Thị Lan Anh (lớp 7A) hai buổi phải cuốc bộ đến trường. Hoàn cảnh của em cũng vô cùng đáng thương, cả bố và mẹ đều mất khi em còn nhỏ đều do hệ lụy từ ma túy. Ông bà nội, ngoại cũng không còn, Lan Anh và em gái là Lương Thị Phương Thảo (lớp 5) được bà Lương Thị Hồng (chị gái ông ngoại) cưu mang. Ngoài hai chị em Lan Anh – Phương Thảo, bà Hồng còn cưu mang 2 cháu ruột có mẹ đang thụ án tù, bố đi làm ăn xa.
Cuộc sống vô cùng chật vật, chi tiêu hàng ngày chỉ biết nhìn vào số tiền các con đang làm ăn xa gửi về, dù ít nhưng vẫn phải san sẻ. Sách vở, áo quần của chị em Lan Anh chủ yếu do thầy, cô và các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Không chỉ có Hoài Thương, Khánh Ly và Lan Anh, mà toàn trường có tới hơn 40 em mồ côi bố, mẹ, không nơi nương tựa và hơn 10 em có bố, mẹ đang thụ án vì liên quan đến ma túy. Với những em có hoàn cảnh này, nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt, luôn ưu tiên khi có các phần quà của các cấp, các ngành và nhà hảo tâm gửi tặng. Với học sinh bán trú, thầy cô cố gắng cân đối chi phí Nhà nước cấp về đảm bảo có đủ ngày 3 bữa cơm (bình quân 18.000 đồng/ngày/học sinh). Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ giờ giấc và sinh hoạt để hạn chế những tác động xấu từ bên ngoài, nhất là tệ nạn ma túy và buôn bán người.
Cùng với trang bị kiến thức các môn học, thầy, cô giáo còn trang bị thêm cho các em những hiểu biết về giới tính, kỹ năng phòng tránh tệ nạn ma túy và buôn bán người. Bởi xã Lượng Minh lâu nay được mệnh danh là “đất trắng” – tình trạng buôn bán chất ma túy diễn ra rất phức tạp, gần đây xuất hiện thêm tội phạm buôn người, ảnh hưởng đến đời sống của các bản, làng. Vì thế, những buổi thực sự hữu ích, giúp các em nhận diện được những hành vi của tội phạm để tránh xa.
Thầy Trần Hưng Thái không thôi trăn trở: “Các em như những mầm xanh được ươm trên vùng đất cằn cỗi và khí hậu khắc nghiệt, chúng tôi xác định nhiệm vụ của mình là chăm chút những mầm xanh này phát triển tươi tốt và lành mạnh. Cùng với trang bị kiến thức, nhà trường còn định hướng nghề nghiệp để các em có tương lai tươi sáng. Sắp tới, nhà trường sẽ phối hợp với các cấp chính quyền và một số trường nghề tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh toàn trường”.
Rời Lượng Minh với trập trùng bao dãy núi và suối, khe hiểm trở, với bản làng chênh vênh bên dòng Nậm Nơn, chúng tôi mang theo niềm hy vọng của Hoài Thương, Khánh Ly, Lan Anh và hàng chục em nhỏ khác. Mai đây, tầm nhìn của các em sẽ vượt qua dãy núi, bước chân băng qua những con khe để có một cuộc sống mới.
Nguồn tin: Baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn