Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS: "Thành công bước đầu và những thách thức phía trước"

Thứ năm - 22/08/2019 09:33
Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS tại xã Lượng Minh. Học nghề kết hợp với học văn hóa: một “mũi tên” trúng hai đích. “Thành công bước đầu và những thách thức ở phía trước”.
         Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS tại xã Lượng Minh. Học nghề kết hợp với học văn hóa:  một “mũi tên” trúng hai đích. “Thành công bước đầu và những thách thức ở phía trước”
         Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những nội dung quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là bắt buộc, là điểm xuất phát của chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
          Đối với xã Lượng Minh, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi trình độ dân trí và mặt bằng chất lượng giáo dục còn hạn chế, điều kiện hoàn cảnh của nhiều gia đình còn khó khăn, nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện tại và trong thời gian tới.  Do vậy, phân luồng sẽ góp phần tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, thực hiện phổ cập giáo dục trung học và đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trên địa bàn xã Lượng Minh nói riêng và huyện Tương Dương nói chung trong tình hình mới.
         Tuy nhiên trong những năm qua, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tại xã Lượng Minh nói riêng còn có nhiều bất cập, khó khăn: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT (theo luồng thứ 1) rất thấp (bình quân từ năm 2014 đến 2018 là 44,58%), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tại các trường nghề (theo luồng 3) chiếm 3,61%, còn lại 51,81% các em trở về địa phương rồi sau đó đi lao động tự do không qua đào tạo và không rõ địa chỉ, không rõ công việc các em đang làm; nhận thức của học sinh, phụ huynh và nhân dân về nghề nghiệp chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực của học sinh; công tác tư vấn hướng nghiệp chưa phát huy hiệu quả; cơ sở vật chất của các đơn vị trên địa bàn có chức năng, nhiệm vụ dạy nghề còn thiếu,…
         Để công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS ở xã Lượng Minh thực sự triệt để, đạt hiệu quả, tháng 01 năm 2019 HĐND xã Lượng Minh đã thông qua Nghị quyết ban hành Đề án “Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở trên địa bàn xã Lượng Minh giai đoạn 2019 - 2024 và những năm tiếp theo”. Kết thúc năm học 2018-2019 toàn xã có 71 em học sinh tốt nghiệp THCS. Sau khi được các thầy, cô giáo trường PTTDBT THCS Lượng Minh thông qua công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng, trong số 71 em học sinh đã tốt nghiệp thì có 32 em đăng ký dự thi và vào học THPT tại trường THPT Tương Dương 1, số còn lại các em đã đăng ký vào học tại các trường nghề kết hợp với học văn hóa THPT.  
         Tiếp theo đó, vào sáng ngày 05 tháng 8 năm 2019 có 31 em học sinh và phụ huynh (18 em nam và 13 em nữ) đã đi đến Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ quốc phòng tại thành phố Vinh làm thủ tục nhập học với nét mặt rạng rỡ vui tươi, đi cùng còn có các thầy cô giáo trong Ban giám hiệu và các giáo viên bộ môn. Không khí chào tân học sinh, sinh viên tại trường Cao đẳng nghề số 4 rất sôi động và nhộn nhịp... hứa hẹn một tương lai tươi sáng đối với con em xã Lượng Minh khi được vào học văn hóa kết hợp học nghề tại trường. Hiểu được những boăn khoăn lo lắng của các bậc phụ huynh lần đầu đưa con nhập học ở xa, trường Cao đẳng nghề số 4 đã tạo điều kiện bố trí nơi ăn, nghỉ cho tân học sinh, sinh viên, chuẩn bị chu đáo chỗ chờ đợi làm thủ tục nhập học. Bên cạnh đó cán bộ tuyển sinh, cán bộ truyền thông tuyển sinh đã hướng dẫn các tân học sinh, sinh viên nhanh chóng hoàn tất các thủ tục nhập học, thủ tục ở ký túc xá đúng quy trình, nhanh gọn, đầy đủ, hài lòng các bậc phụ huynh khi gửi gắm con em mình tới Nhà trường để học nghề và khởi nghiệp.
  ảnh sân số 4
Hình ảnh học sinh ngày nhập học tại trường Cao đẳng nghề số 4-Bộ quốc phòng
         Một lợi thế rất lớn nữa đối với con em xã Lượng Minh đó là  học sinh con em đồng bào vùng dân tộc thiếu số khi tham gia học song song văn hóa và nghề không phải đóng phí học nghề. Đồng thời mỗi học sinh còn được hỗ trợ số tiền 1.490.000 đồng/tháng/em (bằng 100% mức lương tối thiểu), hằng năm được hỗ trợ số tiền xe đi về thăm gia đình số tiền 300.000 đồng/em/năm và được hỗ trợ kinh phí ban đầu để mua sắm sách vở học tập và đồ dùng cá nhân số tiền 1.000.000 đồng/em/khóa học. Như vậy kinh phí hỗ trợ hàng tháng nói trên đối với các em học sinh học nghề tại trường Cao đẳng nghề giúp cho các em có số tiền để chi trả cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và ổn định trong suốt thời gian học tập tại trường nghề.
         Sau thời gian đào tạo, các em đủ điều kiện được cấp bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề, nhờ đó rút ngắn được quãng thời gian học tập, tiết kiệm đáng kể chi phí đào tạo. Như vậy, tính về thời gian, một học sinh phải mất 3 năm học cấp THPT và 4 năm đại học mới có được tấm bằng. Trong khi đó, nếu chọn học trung cấp, hoặc liên thông cao đẳng nghề tại trường Cao đẳng nghề số 4 các em chỉ mất 2,5 đến 3 năm để vừa học văn hóa, vừa học nghề, rút ngắn thời gian, sớm học nghề yêu thích lại tiết kiệm chi phí cho gia đình. Sau 3 năm đào tạo, các em ở độ tuổi 18 các em có thể tham gia lao động theo ngành nghề đã chọn, hoặc sau 3 năm các em vẫn có cơ hội học tiếp liên thông lên bằng cao hơn và con đường học tập luôn rộng mở với các em nếu như các em luôn giữ được niềm đam mê của mình.
         Đây được xem là sự thành công bước đầu trong việc triển khai thực hiện đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại trường PTDTBT THCS Lượng Minh và tại xã Lượng Minh. Tuy nhiên, ở phía trước vẫn đang còn rất nhiều thách thức nhà trường đang thực sự trăn trở và phối hợp với trường Cao đẳng nghề số 4 để cùng nhau tìm ra hướng đi phù hợp để cho công tác phân luồng, định hướng nghề thực sự đem lại hiệu quả cao hơn và thành công như mong muốn.
         Năm học 2019-2020 trường PTDTBT THCS Lượng Minh tiếp tục phối hợp cùng với trường Cao đẳng nghề số 4 đẩy mạnh công tác tư vấn và định hướng nghề nghiệp với mong muốn đem đến nhưng thông tin đầy đủ, chính xác và đem lại lợi ích tốt nhất cho các em học sinh về công tác phân luồng hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS. Đây cũng là việc làm cấp thiết và nhiệm vụ rất quan trọng của Nhà trường góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW; việc định hướng cũng như phân luồng tốt học sinh trong việc học nghề sẽ góp phần giúp xã hội giảm gánh nặng "thừa thầy - thiếu thợ", thiếu lao động có trình độ nghề đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Địa phương và Đất nước.
         Những thách thức phía trước cho công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS.
         Thiếu thông tin hướng nghiệp, chưa nhận thức đúng về phân luồng, hướng nghiệp: Nhiều bậc phụ huynh, các em học sinh và kể cả giáo viên lâu nay thường quan niệm việc học tập chỉ có một con đường: học xong tiểu học lên THCS, xong THCS phải học THPT và sau đó thi đại học, cao đẳng. Hệ quả của nó là ta đang trong tình trạng thừa thầy nhưng thiếu thợ lành nghề. Thực tế có nhiều học sinh lên bậc THPT học không nổi phải bỏ học. Vậy sao không hướng các em học nghề sau khi đã tốt nghiệp THCS? Nhiều gia đình và học sinh không lượng sức học của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Thiết nghĩ, đã đến lúc các bậc phụ huynh và học sinh nên thay đổi quan niệm về nghề nghiệp. Để làm được việc này nhà trường đang rất cần các cơ quan đoàn thể trong hệ thống chính trị tại địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó các cơ quan truyền thông cũng cần phải có sự quan tâm đối với việc đưa tin, tuyên truyền về việc phân luồng, hướng nghiệp để làm thay đổi nhận thức của nhân dân nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng.
         Giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp: Giải quyết việc làm vẫn là một thách thức lớn nhất. Mặc dù trường Cao đẳng nghề số 4 đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng trong đó chuẩn đầu ra chính là yêu cầu của người sử dụng lao động hay là yêu cầu của chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó quá trình rèn luyện kỹ năng và sự chịu khó của các em học sinh cũng là một yếu tố quyết định. Vì vậy các em rất cần sự chia sẻ của các doanh nghiệp, sự quan tâm chăm sóc rèn luyện của đội ngũ giáo viên trường cao đẳng nghề số 4, để các em có được kỹ năng lao động phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
         Cảm bẫy vì đồng tiền lúc khó khăn, học sinh và phụ huynh nghe theo kẻ xấu lợi dụng, học sinh bỏ học trốn khỏi địa phương đi lao động không rõ địa chỉ và không rõ công việc: Dẫu biết làm lao động bất hợp pháp là phải đối mặt với nhiều hiểm nguy và luôn phải lẩn trốn các lực lượng chức năng. Song vì miếng cơm, manh áo mà nhiều phụ huynh vẫn cho con bỏ học giữa chừng đi lao động “chui”  sẵn sàng chấp nhận, đánh đổi ngay cả tính mạng mình chỉ vì cuộc sống mưu sinh.
          Cần những giải pháp mạnh và sự vào cuộc của toàn xã hội
         Để khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, cần thực hiện một số giải pháp sau:
         Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phối hợp đồng bộ cả hệ thống chính trị, cùng chung tay thực hiện công tác phân luồng. Trên cơ sở đó, xây dựng quy chế, kế hoạch, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu của các cấp ủy đảng với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp... trong quá trình thực hiện các mục tiêu phân luồng.
         Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền và truyền thông. Công tác tuyên truyền vận động cần được đổi mới từ cấp trên đến cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc phân luồng học sinh sau THCS. Tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phân luồng học sinh sau THCS. Làm rõ chủ trương phân luồng sau THCS là một cách lựa chọn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi cá nhân trong nền kinh tế thị trường, hướng tới có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và có cơ hội tăng tiến. Ngoài việc tiếp tục trang bị học vấn phổ thông và tham gia lao động sản xuất, người học còn có thể đi học nghề phù hợp với trình độ, điều kiện của mình. Phân luồng học sinh sau THCS cũng không phải là ép buộc những học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế như một số nhận thức lệch lạc. Cần phải khẳng định rằng, đây là tạo ra một phương thức, cơ hội học tập phù hợp, có hiệu quả; đáp ứng nhu cầu được học và nguyện vọng có nghề nghiệp của người học. Từ đó, xoá bỏ tâm lý mặc cảm hoặc kỳ thị đối với những người lựa chọn con đường đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS (vào các trường trung cấp hoặc vừa làm vừa học theo chương trình giáo dục thường xuyên).
 

Tác giả bài viết: Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Lượng Minh

Nguồn tin: Trường PTDTBT THCS Lượng Minh:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập120
  • Hôm nay8,333
  • Tháng hiện tại53,456
  • Tổng lượt truy cập11,946,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây